Trên thế giới đã xuất hiện các vi khuẩn kháng với hầu hết kháng sinh, còn gọi là vi khuẩn siêu kháng thuốc.
Ở Việt Nam, hầu hết các cơ sở khám, chữa bệnh đang phải đối mặt với tốc độ lan rộng các vi khuẩn kháng với nhiều loại kháng sinh. Mức độ và tốc độ kháng thuốc ngày càng gia tăng, đang ở mức báo động. Gánh nặng do kháng thuốc ngày càng tăng do chi phí điều trị tăng lên, ngày điều trị kéo dài, ảnh hưởng đến sức khỏe người bệnh, cộng đồng và sự phát triển chung của xã hội. Trong tương lai, các quốc gia có thể phải đối mặt với khả năng không có thuốc để điều trị hiệu quả các bệnh truyền nhiễm nếu không có các biện pháp can thiệp phù hợp.
Hiện nay, kháng thuốc không phải là vấn đề mới, nhưng đã trở nên nguy hiểm, cấp bách, đòi hỏi phải có sự nỗ lực tổng hợp nhằm giúp nhân loại tránh khỏi nguy cơ quay trở lại thời kỳ chưa có kháng sinh. Tổ chức Y tế Thế giới nhận định, chúng ta đang sống trong kỷ nguyên phụ thuộc kháng sinh và yêu cầu toàn cầu có trách nhiệm bảo vệ nguồn thuốc kháng sinh quý giá cho thế hệ sau.
Ngày sức khỏe thế giới năm 2011, Tổ chức Y tế Thế giới đã lấy khẩu hiệu phòng chống kháng thuốc là “Không hành động ngày hôm nay, ngày mai không thuốc chữa” và kêu gọi các quốc gia phải có kế hoạch kịp thời để đối phó với tình trạng kháng thuốc.
Nguyên nhân kháng thuốc
Sử dụng thuốc kháng khuẩn không thích hợp
Công tác kiểm nghiệm, kiểm tra chất lượng thuốc còn hạn chế
Phòng và kiểm soát các bệnh truyền nhiễm chưa hiệu quả
Hệ thống giám sát về kháng thuốc chưa được thiết lập
Sử dụng thuốc kháng khuẩn trong chăn nuôi chưa được kiểm soát hợp lý
Các quy định chuyên môn về khám, chữa bệnh chưa được cập nhật thường xuyên, liên tục
Nhận thức của cộng đồng, cán bộ y tế về kháng thuốc còn hạn chế
Hậu quả và gánh nặng do kháng thuốc
Kháng thuốc không phải là một hiện tượng mới, tuy nhiên mức độ ngày càng trầm trọng và tốc độ gia tăng của vấn đề này ảnh hưởng lớn đối với sức khỏe cộng đồng. Kết quả là chỉ sau 70 năm kể từ khi giới thiệu thuốc kháng sinh, chúng ta đang phải đối mặt với khả năng của một tương lai không có thuốc kháng sinh điều trị hiệu quả đối với một số bệnh nhiễm khuẩn, nhất là đối với các phẫu thuật và phương pháp điều trị như hóa trị liệu ung thư và cấy ghép mô, bộ phận cơ thể người.
Ngoài ra, kháng thuốc gây ra sự khan hiếm, thiếu hụt các thuốc kháng khuẩn mới, đặc biệt ở người bệnh bị nhiễm khuẩn do sinh vật đa kháng.
Các chi phí xã hội và tài chính trong điều trị các bệnh nhiễm khuẩn kháng thuốc đặt gánh nặng đáng kể lên mỗi cá nhân, gia đình và xã hội: do thời gian điều trị kéo dài, tiên lượng xấu và lãng phí nhiều chi phí tiền thuốc do sử dụng thuốc không phù hợp.
Phòng, chống kháng thuốc
Chỉ sử dụng kháng sinh khi được bác sĩ kê toa.
Không bao giờ yêu cầu thuốc kháng sinh nếu bác sĩ nói rằng không cần chúng.
Luôn luôn làm theo lời khuyên của nhân viên y tế khi sử dụng thuốc kháng sinh.
Không bao giờ chia sẻ hoặc sử dụng thuốc kháng sinh dư thừa của người khác.
Ngăn ngừa nhiễm trùng bằng cách thường xuyên rửa tay, chuẩn bị thức ăn hợp vệ sinh, tránh tiếp xúc gần gũi với người bệnh, quan hệ tình dục an toàn và tiêm chủng vắc xin đúng lịch.
Đối với nhân viên y tế, WHO kêu gọi nhân viên y tế hãy làm vệ sinh đôi bàn tay thật sạch trước khi chăm sóc bệnh nhân. Biện pháp này góp phần bảo vệ bệnh nhân khỏi các bệnh nhiễm trùng kháng thuốc tại các cơ sở y tế.
Chỉ kê đơn và phân phối kháng sinh khi cần thiết, theo phác đồ hiện hành
. Đảm bảo “4 chữ Đ” trong lựa chọn kháng sinh là: đúng thuốc, đủ liều, đủ thời gian và đúng cách.
Cố gắng thống nhất và tư vấn cho bệnh nhân về cách sử dụng kháng sinh đúng cách, hậu quả của kháng kháng sinh và nguy cơ lạm dụng thuốc.
Ths Nguyễn Văn Cương – Khoa TTGDSK (tổng hợp)