Theo số liệu điều tra tại Việt Nam năm 2020, tỉ lệ mắc bệnh đái tháo đường là 7,3%, xấp xỉ con số 7 triệu người mắc trên cả nước, đồng nghĩa là khoảng 13 người trong chúng ta thì có một người mắc đái tháo đường, trong đó có 55% bệnh nhân đái tháo đường típ 2 đã xuất hiện biến chứng về tim mạch, về mắt, thần kinh và về thận. Biến chứng đái tháo đường không chỉ làm gia tăng chi phí y tế mà còn làm giảm chất lượng cuộc sống.
Ngày Thế giới phòng, chống đái tháo đường được Liên đoàn phòng, chống đái tháo đường và Tổ chức Y tế thế giới đề xuất vào năm 1991. Mỗi năm có một chủ đề nổi bật được chọn, và vấn đề trọng tâm năm nay là đái tháo đường và sự khoẻ mạnh toàn diện. Đây là hướng tiếp cận toàn diện, chú trọng vào đầy đủ các khía cạnh về sức khoẻ của người bệnh, không chỉ là sức khoẻ thể chất, sức khoẻ tinh thần mà còn cả các yếu tố xã hội, đó là người bệnh cần cảm thấy được sự đồng cảm và hỗ trợ từ gia đình, cộng đồng và toàn xã hội. Cần hướng đến một môi trường hỗ trợ toàn diện cho người bệnh, điều này không chỉ giúp việc quản lý, kiểm soát bệnh tật tốt hơn mà còn hỗ trợ cho người bệnh có một cuộc sống lành mạnh, hạnh phúc và cân bằng hơn.
Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn, bệnh đái tháo đường hoàn toàn có thể dự phòng được nếu như mọi người chú ý và quan tâm hơn nữa đến những hành động nhỏ nhưng vô cùng ý nghĩa sau:
1. Tập thể dục thường xuyên, ăn uống lành mạnh: Giúp duy trì cân nặng, thể lực, giảm huyết áp và nguy cơ mắc các bệnh mạn tính;
2. Theo dõi, kiểm soát lượng đường máu: Việc này rất cần thiết, đặc biệt là với những người có yếu tố nguy cơ và đang được điều trị;
3. Kiểm soát các yếu tố nguy cơ: Tăng huyết áp, rối loạn mỡ máu, tình trạng thừa cân béo phì là các yếu tố cần được quan tâm hàng đầu;
4. Kiểm tra sức khỏe định kỳ, điều trị bệnh đái tháo đường ngay khi được chẩn đoán và tuân thủ phác đồ theo hướng dẫn.
(Nguồn: Bộ Y tế)